Saturday 21 November 2015

Làm sao để tăng tỉ lệ chuyển đổi thành booking trên website khách sạn

Thời gian qua, nhiều vị chủ, giám đốc cũng như các bạn làm sales online các khách sạn gửi email đến Hospro với thắc mắc vì sao lượng khách truy cập vào website ghi nhận trên Google Analytics hàng ngày khá cao, có khách sạn lên đến hàng trăm lượt/ngày nhưng booking nhận được từ website vẫn chỉ là chuyện "dăm bữa nửa tháng". Xin chúc mừng vì quý vị đã làm rất tốt việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm vì lượng truy cập như vậy (nếu thực sự là từ khách hàng) thực sự là con số mơ ước của nhiều khách sạn. Đừng quá lo lắng vì đây là một cơ hội lớn để các khách sạn tăng hơn nữa doanh số từ website. Hospro xin chia sẻ vài thông tin qua bài viết này để các bạn tham khảo.

Hãy hình dung một ngày đẹp trời, khách sạn của bạn đón hơn 50 khách vãng lai đến xem phòng nhưng cuối cùng, chỉ có 10 khách quyết định ở lại, số còn lại lần lượt bỏ đi. Chẳng phải đó là một thảm họa sao? Tôi cá là bạn sẽ triệu tập ngay một cuộc họp khẩn để xem xét lại chiến lược kinh doanh của mình.

Chuyện tương tự cũng rất có thể đang xảy ra trên môi trường trực tuyến khi số người quyết định đặt phòng sau khi xem website của khách sạn ở mức thấp. Đây thực sự là một vấn đề nghiêm trọng và trăn trở đối với dân khách sạn. Vì vậy, để website đạt được cùng lúc hai mục tiêu quan trọng là tăng số lượng người ghé xem và tăng tỉ lệ số người đặt phòng trên số khách viếng thăm, khách sạn cần có chiến lược được chuẩn bị kỹ càng cho website của mình.

Câu chuyện chỉ đơn giản ở chỗ là Tỉ lệ chuyển đổi (Conversation Rate) thấp hay cao mà thôi. Đó chính là tỉ lệ của số khách thực sự đặt phòng trên tổng số khách viếng thăm website.

Nhìn người, so ta

Chiến lược dành cho website phải được bắt đầu với việc xem xét tỉ lệ chuyển đổi hiện tại. Với tỉ lệ bình quân ngành hiện tại là 3%, nếu tỉ lệ này của khách sạn là dưới 3% thì quả là một điều đáng lo ngại nhưng cũng là cơ hội tốt để có thể tăng doanh số lên gấp bội. Một website khách sạn được xây dựng tốt có thể mang lại tỉ lệ chuyển đổi thậm chí lên đến 10%.

Khả năng tương thích với điện thoại thông minh và máy tính bảng

Có một thực tế ai cũng biết đó là số lượng khách hàng đặt phòng trực tuyến bằng các thiết bị di động đang ngày càng tăng lên. Vì vậy, việc đầu tiên cần làm để tăng tỉ lệ chuyển đổi là điều chỉnh để website có thể được truy cập dễ dàng từ các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng. Giao diện website phải liền mạch để phù hợp với thói quen sử dụng của người dùng di động với các tính năng màn hình cảm ứng, trượt.

Website cần có tiện ích để khuyến khích khách đặt phòng

Thêm một cơ hội nữa để tăng doanh số từ website khi các nghiên cứu chỉ ra rằng có đến 90% khách xem website bỏ qua quá trình đặt phòng. Biện pháp hiệu quả nhất là sử dụng các cửa sổ pop-up để giới thiệu các khuyến mãi đặt biệt để khuyến khích khách hàng hoàn tất quá trình đặt phòng. Ngoài ra, trên thị trường còn có nhiều dịch vụ tiện ích giúp tiếp cận lại với những khách hàng này để kéo họ quay trở lại website.

Bạn có biết nhiều khách hàng mở website của khách sạn đồng thời với việc xem khách sạn trên các web đặt phòng khác. Vì vậy, để khuyến khích khách hàng đặt phòng trên website của khách sạn, điều cần làm là:
  • Tạo ấn tượng tốt ngay từ đầu
  • Công cụ đặt phòng phải thể hiện phòng trống theo thời gian thực và tự động xác nhận đặt phòng
  • Có hỗ trợ thanh toán trực tuyến
  • Đừng bắt khách phải mất quá nhiều thời gian để điền mẫu đặt phòng, mẫu đặt phòng phải thực sự đơn giản và dễ hiểu
Hình ảnh và video

Hình ảnh và video thực sự là những nội dung quan trọng cần phải được giới thiệu trên website. Nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội tăng doanh số từ website khách sạn, bạn nên quan tâm đến việc đầu tư vào những bộ hình ảnh và video thật chất lượng. Chính hình ảnh và video sẽ tạo ấn tượng cho khách hàng. Trong đó, video sẽ tạo ra tác động trực quan, kéo dài thời gian lưu lại của khách trên website và là công cụ hiệu quả làm tăng tỉ lệ chuyển đổi thành đặt phòng.

Giao diện và nội dung

Nội dung được truyền tải trên website phải liên quan và hấp dẫn, nằm trong một giao diện tổng thể để dễ dàng cho việc tìm kiếm của khách. Thông điệp tiếp thị phải được thể hiện trên mỗi trang, không nhất thiết phải là chương trình giảm giá hoặc khuyến mãi nào đó. Website phải tích hợp bản đồ Google, chức năng đăng ký tài khoản bằng email, đánh giá của khách hàng; các nút chia sẻ trên mạng xã hội, công cụ của Tripadvisor… phù hợp với chiến lược tối ưu hóa công cụ tìm kiếm tối tân nhất. Tất cả những yếu tố trên cộng với giao diện tương thích linh động với mọi loại thiết bị truy cập sẽ tạo ra trải nghiệm đáng nhớ cho khách hàng và chắc chắn, số người quyết định đặt phòng ngay trên website sẽ tăng lên.

Chúc các bạn thành công. Nếu cần hỗ trợ xin vui lòng liên hệ Hospro.

Sunday 1 November 2015

Những mẹo nhỏ khi lựa chọn hệ thống quản lý kênh (Channel Manager) cho khách sạn

Hệ thống quản lý kênh (Channel Manager) đã trở nên khá quen thuộc và trở thành một công cụ không thể thiếu đối với ngành kinh doanh khách sạn.Ngành khách sạn trên toàn thế giới đã sử dụng những công cụ của hệ thống quản lý kênh hàng ngày và từng bước, họ đã nhận ra rằng nó là một phần quan trọng trong hoạt động quản lý doanh thu của mình.

Chúng ta cũng đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ngành phát triển phần mềm quản lý kênh trong cuộc đua vào thị trường và các hệ thống quản lý kênh đua nhau ra đời như nấm sau mưa. Trên thị trường hiện nay có ít nhất 50 nhà cung cấp dịch vụ quản lý kênh đang hoạt động, và dường như, mỗi hệ thống ra đời lại cho một mức giá ngày càng thấp hơn. Hệ quả là các hệ thống hiện hữu trên thị trường buộc phải tham gia vào cuộc đua về giá và thậm chí, một số còn cho sử dụng miễn phí.

Cái gì cũng có giá của nó, những thứ rẻ tiền không bao giờ làm bạn thỏa mãn thậm chí còn gây khó khăn cho công việc của bạn. Và lẽ đương nhiên các khách sạn sẽ phải tiếp tục tìm kiếm những lựa chọn tốt hơn. Ngành khách sạn trở nên sáng suốt hơn trong việc lựa chọn những giải pháp tân tiến hơn về mặt công nghệ.


Có điều, làm sao để lựa chọn được giải pháp tối ưu vẫn còn là vấn đề đau đầu. Với nhiều năm kinh nghiệm sử dụng hệ thống quản lý kênh trong hoạt động bán phòng khách sạn, Hospro xin chia sẻ một số kinh nghiệm để các khách sạn có thể tham khảo để lựa chọn một hệ thống quản lý kênh tốt nhất cho mình.

1. Số lượng kênh kết nối

Câu hỏi đặt ra là: Hệ thống quản lý kênh có giúp bạn quản lý được tất cả những kênh mà bạn muốn quản lý không? Nó quản lý được tổng cộng bao nhiêu kênh?  Nói như vậy không có nghĩa là bạn sẽ dùng nó để kết nối cả thế giới lại mà là qua con số đó, bạn có thể đánh giá được khả năng mở rộng kết nối để có thể đáp ứng được yêu cầu của bạn. Và nếu vẫn còn những kênh bạn còn phải tiếp tục làm thủ công, thì con số đó là bao nhiêu?

2. Hệ thống đó quản lý đồng thời được bao nhiêu kênh


Câu hỏi là: Bạn có thể quản lý đồng thời được bao nhiêu kênh trên hệ thống? Và trong mỗi kênh, bạn quản lý đồng thời được bao nhiêu loại phòng?


Số kênh và số loại phòng bạn quản lý đồng thời càng nhiều, lượng thông tin truyền tải từ hệ thống quản lý kênh đến các hệ thống extranet càng lớn trong khi các hệ thống đó hoạt động với tốc độ khác nhau. Áp lực lên tốc độ và khả năng hoạt động của các hệ thống được tạo ra bởi lượng thông tin được chuyển tải. Tất cả luôn có giới hạn và bạn sẽ phải tìm xem giới hạn đó ở đâu.

3. Khả năng mở rộng thêm kênh mới

Một ngày đẹp trời bạn hoàn tất việc setup khách sạn trên một kênh phân phối mới nhưng rất tiếc, kênh đó chưa được kết nối trên hệ thống quản lý kênh. Bạn phải xem hệ thống có thể kết nối đến kênh mới để đáp ứng yêu cầu của bạn không, việc đó mất bao lâu để hoàn thành và có cần phải đảm bảo những yêu cầu gì khác hay không?

4. Phương thức kết nối

Các hệ thống quản lý kênh kết nối và giao tiếp với các hệ thống extranet thông qua 2 phương thức cơ bản: Một là sử dụng công nghệ XML và hai là theo phương thức phân mảnh màn hình hay còn được gọi là công nghệ "con nhện". Theo kinh nghiệm của chúng tôi, những hệ thống sử dụng công nghệ trên nền tảng XML hoạt động ưu việt hơn. Vậy hệ thống mà bạn đang cân nhắc sử dụng công nghệ hay phương thức kết nối nào?

5. Giao tiếp một chiều hay hai chiều

Hệ thống quản lý kênh tối ưu phải giao tiếp được hai chiều với các hệ thống extranet. Điều này có nghĩa là ngoài việc chuyển thông tin về phòng dành để bán và giá bán tới các hệ thống extranet, hệ thống của bạn còn phải đọc được tình trạng phòng và giá trên các hệ thống và báo cho bạn biết để có những hành động kịp thời. Như vậy bạn mới có cơ hội tận dụng tối đa số phòng trống mà khách sạn mình có để bán.

6. Các chức năng cơ bản

Hệ thống quản lý kênh có giúp quản lý được các thông tin sau hay không:
  • Giá phòng
  • Lượng phòng dành để bán
  • Số ngày ở tối thiểu
  • Ngừng bán (Chức năng ngăn chặn việc các phòng bị hủy chuyển thành phòng dành để bán)
  • Ngày cận đến/Ngày cận đi

7. Các chức năng nâng cao


Nếu một hệ thống extranet cụ thể có thêm những chức năng kiểm soát khác, nó được hiển thị trên hệ thống quản lý kênh như thế nào? Hệ thống lý tưởng là hệ thống có thể tích hợp được chức năng của mỗi hệ thống extranet riêng lẻ.
  • Ngày cận đến
  • Ngày cận đi
  • Phụ thu thêm khách
  • Khuyến mãi
  • Tùy chọn ăn sáng
8. Quản lý sự kiện

Hệ thống có cho phép đánh dấu những ngày có sự kiện đặc biệt không để giúp những người sử dụng hệ thống được thông báo về tầm quan trọng của những ngày họ đang quản lý?

9. Độ dài của thời gian có thể quản lý được

Bạn có thể quản lý được phòng dành để bán và giá phòng cho khoảng thời gian nào kể từ ngày hiện tại. Khoảng thời gian đó bằng với trên các extranet hay không? Và bạn có thể quản lý đồng thời bao nhiêu ngày cùng một lúc. Số ngày mà bạn có thể quản lý trước được thể hiện khả năng của hệ thống mà bạn đang sử dụng bởi số ngày càng lớn, lượng thông tin truyền tải càng lớn và nói đòi hỏi hệ thống phải đáp ứng kịp. Thử làm bài tính sau khi bạn thay đổi giá phòng cùng một lúc cho:
  • Đổi giá cho 25 ngày
  • Mỗi ngày trên 25 kênh
  • Mỗi kênh 3 loại phòng
  • Mỗi loại phòng 2 loại giá
Như vậy bạn đã tạo ra tổng cộng 2.250 sự thay đổi lên hệ thống. Đây là một lượng thông tin khá lớn được truyền tải qua internet đến các extranet và tạo ra một áp lực khủng khiếp lên hệ thống. Vì vậy hãy cẩn thận khi ai đó nói rằng hệ thống của họ cho phép thay đổi không giới hạn số ngày trong tương lai!

10. Dịch vụ hỗ trợ và hướng dẫn

Nhà cung cấp có hướng dẫn bạn sử dụng hệ thống sau khi hợp đồng được ký kết hay không? Và khi phát sinh nhu cầu (chẳng hạn khi có nhân viên mới), họ có hỗ trợ hướng dẫn lại không? Và khi gặp trục trặc kỹ thuật thì họ có sẳn sàng hỗ trợ bạn không? Mất bao lâu để họ hỗ trợ hoặc cho bạn giải pháp khắc phục.

11. Phân quyền sử dụng

Hệ thống có cho phép bạn phân quyền sử dụng cho nhiều cấp hoặc phòng ban khác nhau hay không? Bạn có phân quyền được cho nhân viên bộ phận Lễ tân để họ đóng phòng khi khách sạn bị đầy ngoài giờ hành chính không?

Hy vọng, với những gợi ý nhỏ trên đây, chúng tôi đã có thể giúp các khách sạn hình dung những tiêu chí để lựa chọn một giải pháp Channel Manager tối ưu nhất và cuối cùng là mang lại doanh thu cao nhất cho khách sạn.

Chúc các bạn thành công.